Nâng tầm sản phẩm, dịch vụ du lịch Nghệ An qua tọa đàm chuyên sâu với doanh nghiệp lữ hành toàn quốc
Buổi tọa đàm
do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An chủ trì, với sự tham dự và điều hành của
đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở, cùng đồng chí Trần Xuân
Cường – Phó Giám đốc Sở. Về phía Sở Du lịch Hà Nội có đồng chí Trần Trung Hiếu
– Phó Giám đốc Sở tham dự.
Đặc biệt,
chương trình có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch đầu ngành
như ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, ông Nguyễn
Đức Hiển – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, cùng hơn 60 lãnh đạo doanh nghiệp
lữ hành là thành viên của Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội đến từ nhiều tỉnh, thành phố
trên cả nước.
Tại tọa đàm,
các đại biểu đã có những đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển sản phẩm,
dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An. Theo đó, Nghệ An được nhìn nhận là
vùng đất giàu tài nguyên du lịch – từ du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, biển
đảo đến sinh thái, cộng đồng, trong đó nổi bật là Khu di tích Kim Liên – quê
hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, biển Cửa Lò, các làng nghề truyền thống và vùng miền
sinh thái đặc sắc.
Tuy nhiên, điểm
nghẽn lớn vẫn nằm ở sự thiếu liên kết chuỗi sản phẩm, hạn chế về chất lượng dịch
vụ, kỹ năng nhân lực và chưa khai thác mạnh mẽ yếu tố công nghệ.
Các chuyên gia
và doanh nghiệp đã đề xuất nhiều hướng đi để nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch
Nghệ An. Trong đó, nổi bật là ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Khu
di tích Kim Liên, xây dựng những chương trình trải nghiệm về đêm gắn với ánh
sáng, âm thanh, trình diễn nghệ thuật để tăng sức hút cho du khách.
Một số ý kiến
cũng nhấn mạnh việc Nghệ An cần đẩy mạnh sản phẩm du lịch MICE (hội nghị, hội
thảo, tổ chức sự kiện) tại các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng phù hợp
như Cửa Lò, TP. Vinh… Đây là phân khúc mang lại giá trị kinh tế cao, thu hút
dòng khách lớn và chất lượng.
Đặc biệt, ứng
dụng công nghệ số, QR code, bản đồ số du lịch, sàn giao dịch trực tuyến cũng được
xem là công cụ tất yếu giúp nâng cao trải nghiệm du khách, đồng thời mở rộng thị
trường tiếp cận.
Ngoài ra, vấn
đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch – từ kỹ năng giao tiếp, thuyết minh, ngoại ngữ
đến quản trị điểm đến – cũng được đặt ra như một trong những nhiệm vụ trọng tâm
cần ưu tiên.
Kết luận tại
buổi tọa đàm, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch
Nghệ An – đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực của các đại
biểu, đồng thời cam kết Sở sẽ chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để
cụ thể hóa các giải pháp, từ đó từng bước nâng tầm chất lượng sản phẩm, dịch vụ
du lịch địa phương, góp phần đưa du lịch Nghệ An phát triển nhanh, bền vững và
xứng tầm.
Quỳnh Chi