Tưởng niệm 71 năm ngày mất bà Nguyễn Thị Thanh – Người chị cả giàu khí phách của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Về dự lễ có các ông
(bà): Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực
Tỉnh ủy Nghệ An; Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, cùng đại diện lãnh đạo các sở,
ban, ngành, huyện Nam Đàn, xã Kim Liên, các dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân,
Hà; đại diện lực lượng công an, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn
thể và đông đảo người dân, du khách thập phương hành hương về quê Bác.
Tại buổi lễ, các
đại biểu đã dâng hương, dâng lễ vật, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc
đến anh linh bà Nguyễn Thị Thanh – người con gái ưu tú của quê hương Kim Liên,
người phụ nữ tiêu biểu trong phong trào cách mạng yêu nước đầu thế kỷ XX.
Sinh năm Giáp
Thân 1884 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại làng Hoàng Trù –
quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thuở thiếu thời, bà Nguyễn Thị Thanh đã
tiếp thu và thấm nhuần tinh thần yêu nước của cả hai dòng họ nội - ngoại. Khi
trưởng thành, bà tích cực tham gia phong trào Đông Du, liên hệ mật thiết với
nhà yêu nước Phan Bội Châu, hoạt động liên lạc, vận động tài chính cho nghĩa
quân.
Năm 1910, trong
lúc đang làm nhiệm vụ, bà bị địch bắt. Dù bị tra tấn dã man, bà vẫn kiên trung
không khai báo, giữ trọn khí tiết cách mạng. Ra tù, bà tiếp tục hoạt động, mở
quán cơm bình dân gần Thành cổ Vinh để làm cơ sở nắm bắt tình hình địch, quyên
góp vũ khí cho nghĩa quân. Khi bị lộ, bà bị bắt và kết án 9 năm tù khổ sai, bị
đày biệt xứ.
Trở về từ lao
tù, bà tiếp tục sống kiên cường, giản dị, giữ vững lý tưởng cách mạng. Bà từng
đến viếng mộ cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp và tri
ân bà con nơi đây đã cưu mang người thân của mình. Năm 1940, bà được trả tự do
về quê hương. Đặc biệt, năm 1946, bà có dịp ra Hà Nội thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh
– em trai ruột của mình sau hơn nửa thế kỷ xa cách, trong cuộc hội ngộ đầy xúc
động và thiêng liêng.
Bà Nguyễn Thị
Thanh qua đời ngày 22 tháng 3 năm Giáp Ngọ (1954), để lại niềm tiếc thương vô hạn
trong lòng người thân, quê hương và dân tộc. Cuộc đời bà là biểu tượng cao đẹp
của tinh thần yêu nước, đức hy sinh, lòng nhân ái và sự trung hậu, thủy chung.
Nhân lễ giỗ lần
thứ 71, các đại biểu cùng ôn lại tiểu sử, sự nghiệp, tôn vinh những đóng góp to
lớn của bà Nguyễn Thị Thanh. Đồng thời, lễ tưởng niệm cũng là dịp để nhắc nhở
các thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ, học tập và phát huy tinh thần yêu
nước, đạo đức trong sáng, ý chí cách mạng kiên cường của thế hệ cha anh – đặc
biệt là người chị cả mẫu mực, người phụ nữ kiên trung – Bạch Liên nữ sĩ, “Bông
sen trắng” tỏa hương giữa đất trời xứ Nghệ.
Thu Thuỷ